Tết Miền Nam và Câu Chuyện Về “Sự tích của Bánh Tét”
Đối với miền Nam loại bánh đặc trưng được ưa chuộng nhất trong ngày Tết chính là bánh tét. Bánh Tét xanh nhân nhụy vàng, gợi nhớ ta về một cuộc sống an cư lạc nghiệp, màu xanh của đồng lúa, đời sống chăn nuôi.
Khác với miền Bắc, miền Nam lại rực rỡ với sắc vàng của Hoa Mai. Theo quan niệm của người dân nơi đây, hoa mai tượng trưng cho lòng thành kính, thịnh vượng. Là loại hoa đẹp thân thuộc với người dân như một truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc,…
- Nguồn gốc bánh tét ngày Tết
Nếu ngoài Bắc ngày Tết có bánh chưng xanh gắn liền với sự tích “bánh chưng bánh dày” của hoàng tử Lang Liêu mang ý nghĩa tượng trưng cho trời tròn, đất vuông thì bánh Tét cũng có những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc và ý nghĩa riêng của nó.
Theo phong tục ngày Tết xưa, nồi bánh tét sẽ được nấu vào đêm 30 giao thừa. Cả nhà cùng nhau thức chờ quanh nồi bánh Tét tạo nên không khí ấm cúng, sung túc của buổi sum họp gia đình ngày Tết.
Vào dịp Tết Nguyên Đán thì người dân miền Nam chỉ gói hai loại bánh tét là bánh tét chay và bánh tét mặn. Bánh tét chay để cúng ông bà, trời đất, bánh mặn sẽ dùng trong bữa ăn, thường người ta sẽ ăn bánh tét kèm với củ kiệu, dưa chua, thịt kho tàu,…
Một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa lý giải rằng, đòn bánh Tét mà người miền Nam dùng trong ngày Tết hôm nay là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm, cũng có thể là sự kế thừa những giá trị của lớp tiền nhân đi trước để lại. Khi người Việt bắt đầu vào khai hoang, mở rộng vùng đất phương Nam, do sự tiếp thu yếu tố tín ngưỡng của nền văn hóa Chăm (trong đó có tín ngưỡng thờ thần lúa) nên các cư dân Việt sau này đã tạo ra chiếc bánh tét như ngày nay.
Bên cạnh nguồn gốc ra đời của bánh tét như là một sản phẩm của sự giao thoa văn hóa thì ông bà xưa còn truyền tai nhau về những câu chuyện điển hình là câu chuyện vua Quang Trung khi đánh quân Thanh vào ngày Tết.
” Vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ và quân ta đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước. Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn Tết. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay (tuy nhiên lúc bấy giờ chưa có tên gọi). Anh lính mang bánh đến mời vua Quang Trung.
Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn
Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là Bánh Tết nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về.” Đó được xem là nguồn gốc của bánh tét trong ngày Tết cổ truyền.
2. Vì sao được gọi là “Bánh Tét”
Ban đầu bánh tét được gọi là Bánh Tết nhưng về sau vì tính chất vùng miền, bánh Tết được đọc trại thành “Bánh Tét”. Cũng có lý giải cho rằng, tét là một hành động cắt bánh mỗi khi ăn loại bánh này, người ta sẽ tháo dây lạt để gói bánh ra rồi “tét” từng khoanh nhỏ ra. Vì vậy người địa phương gọi loại bánh này là “Bánh Tét”
3. Ý nghĩa của Bánh Tét vào ngày Tết
Theo quan niệm cha ông xưa, Bánh Tét có ý nghĩa thương nhớ người xưa, cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình đa tạ trời đất đã cho người dân mùa lúa thuận lợi. Bánh tét được bọc nhiều lá bên ngoài tượng trưng cho hỉnh ảnh mẹ bọc lấy con, cũng mang mong muốn sum vầy của người Việt vào ngày Tết
Hồng An (ST)